1 – Những người luôn nghĩ rằng cố gắng hơn nữa là chìa khoá giải quyết vấn đề:
.
Câu chuyện thứ nhất:
“Chị thấy bài học lớn nhất của cuộc đời mình là học cách kiên nhẫn. Những chuyện vừa qua khiến chị thấy mình cần phải kiên nhẫn hơn nữa”, một người bạn của Nhi tâm sự.
“Em thấy cả cuộc đời của chị, đã làm quá tốt chuyện kiên nhẫn: kiên nhẫn chịu đựng sự hiểu lầm, kiên nhẫn im lặng khi người khác la lối lớn tiếng với chị, kiên nhẫn gánh vác mọi thứ trong gia đình mà hiếm khi đòi hỏi sự công bằng… Vậy mà chị vẫn thấy mình chưa đủ kiên nhẫn và cho rằng kiên nhẫn hơn nữa chính là chìa khoá giải quyết các bế tắc này sao?”, Nhi hỏi lại.
“Vì chị thấy khi chị kiên nhẫn thì mọi việc trôi qua dễ dàng hơn và ít cãi vã hơn”, chị trả lời.
“Trôi qua dễ dàng và ít cãi vã hơn có đồng nghĩa với giải quyết vấn đề tận gốc không?”, Nhi tiếp tục thắc mắc
Và chị trả lời, “Không, kiên nhẫn không giúp giải quyết được tận gốc vấn đề”
Cuối cùng, chị tự hỏi: “Mình phải kiên nhẫn đến bao giờ?”
.
Câu chuyện thứ hai:
“Anh cảm thấy mấu chốt giải pháp ở đây là gì?”, Nhi hỏi 1 người bạn là chủ doanh nghiệp.
“Anh thấy mình cần phải tiếp tục cố gắng. Anh vẫn chưa cố gắng đủ”, bạn Nhi nói.
“Dù anh luôn cố gắng nhưng dường như kết quả rất khác với những gì anh mong đợi phải không?“, Nhi tiếp tục hỏi anh
“Anh biết, nhưng nếu không thấy mình đang cố gắng thì anh không cảm thấy an toàn“, anh trầm ngâm một lúc rồi trả lời.
Những câu chuyện truyền cảm hứng trên mạng xã hội về tấm gương thành công, những hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ về việc ba hoặc mẹ đã từng lam lũ khổ cực, cố gắng không ngừng để duy trì cuộc sống… khiến cho nhiều người tin rằng: “Chỉ cần cố gắng, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp”
Nhưng liệu điều đó có đúng trong mọi trường hợp?
Nhiều người bỏ qua những yếu tố khác quan trọng không kém: hướng đi có đúng hay không, cách tiếp cận có phù hợp không, và liệu bản thân có đang mắc kẹt trong vòng lặp cố gắng đến kiệt sức mà không tìm ra giải pháp hiệu quả hơn?
Sự cố gắng không ngừng có thể giúp bạn đạt được nhiều thành tựu, nhưng nó cũng có thể trở thành một cái bẫy của tâm trí. Cái bẫy này rất gần với sự cố chấp, bảo thủ, khiến bạn mệt mỏi, mất niềm tin vào bản thân, và đôi khi, càng cố gắng, bạn càng xa rời hạnh phúc thật sự.
2 – Điều gì tạo ra thôi thúc “TÔI CẦN PHẢI CỐ GẮNG HƠN NỮA”?
.
2.1 – Ký ức thành công:
Những lần đạt được kết quả nhờ nỗ lực khiến bạn tin rằng chỉ cần cố gắng là sẽ thành công.
Có nhiều đứa trẻ chỉ được khen ngợi khi đạt thành tích vượt bậc, còn lại thì không bao giờ được ghi nhận. Lớn lên, chúng tin rằng chỉ khi xuất sắc, chúng mới được công nhận. Kết quả là, họ lao vào làm việc đến kiệt sức, bất chấp sức khỏe tinh thần, thể chất bị bào mòn.
2.2 – Ký ức về cách ba mẹ nỗ lực:
Người thầy đầu tiên dạy cho đứa trẻ cách sinh tồn và phát triển chính là cha mẹ.
Giả sử, bạn sống trong gia đình cha mẹ làm lụng vất vả để mưu sinh, bạn sẽ học được rằng “mình phải cố gắng nhiều hơn, dù có kiệt sức cũng không được dừng lại”.
Hoặc nếu một đứa trẻ chứng kiến mẹ luôn chịu đựng cha mỗi khi ông say rượu nổi giận, nó có thể vô thức học rằng: “Mình cũng phải nhẫn nhịn và chịu đựng trong các mối quan hệ.”
2.3 – Thấy an toàn vì kiểm soát được tình huống:
Nhiều người tin rằng chỉ khi liên tục hành động, họ mới thực sự làm chủ cuộc sống. Việc không ngừng cố gắng mang lại cho họ cảm giác đang kiểm soát được tình hình, ngay cả khi kết quả không như mong đợi.
Tâm lý này xuất phát từ nỗi sợ bị động, sợ sự bất ổn và cảm giác mất kiểm soát. Khi không làm gì, họ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, bất an vì cảm giác mọi thứ đang trôi tuột khỏi tầm tay. Ngược lại, việc liên tục cố gắng—dù là theo một hướng đi sai lầm—giúp họ cảm thấy an toàn hơn, vì ít nhất họ vẫn đang làm điều gì đó thay vì đứng yên trong sự hoang mang.
Vấn đề là, cảm giác an toàn này chỉ là ảo tưởng. Nó không đảm bảo rằng hành động của họ đang đưa họ đến kết quả mong muốn. Giống như một người chèo thuyền giữa dòng nước xiết, thay vì dừng lại để tìm hướng đi, họ chỉ miệt mài chèo mạnh hơn, nghĩ rằng chỉ cần đủ sức lực, họ sẽ vượt qua tất cả. Nhưng thực tế, họ có thể đang ngày càng cách xa bờ hơn.
Điều quan trọng không phải là hành động liên tục, mà là hành động có ý thức và hướng đi rõ ràng. An toàn thực sự không đến từ việc luôn bận rộn, mà đến từ sự hiểu biết mình đang làm gì và vì sao làm điều đó.
2.4 – Áp lực xã hội:
Văn hóa đề cao thành tích khiến chúng ta cảm thấy luôn phải cố gắng hơn nữa. Những người thành công khi chia sẻ bí quyết thường nhấn mạnh vào sự kiên trì, nhưng họ ít khi nói về cách họ kết hợp giữa cố gắng và sự khôn ngoan, hoặc những mất mát về sức khỏe, rạn nứt các mối quan hệ mà họ đã trải qua.
3 – Làm sao nhận ra tư duy “CHƯA ĐỦ CỐ GẮNG” đang bào mòn bạn?
Nếu bạn nhận thấy mình có những dấu hiệu sau đây, rất có thể bạn đang mắc kẹt trong tư duy này:
3.1 – Hành động bất chấp:
Bạn ít khi tìm kiếm góc nhìn mới về cách làm hoặc lắng nghe sự hỗ trợ từ người khác mà liên tục lao vào làm. Bạn thường bất chấp những hậu quả đang diễn ra với bản thân hoặc và với người xung quanh (sức khoẻ suy giảm, hoang mang kéo dài, mâu thuẫn ngày càng sâu sắc,…)
3.2 – Cuộc sống bị mất cân bằng quá mức:
Bạn đạt được thành công lớn trong khía cạnh này nhưng lại mất mát nhiều trong khía cạnh khác của cuộc sống. Chẳng hạn, bạn luôn bảo vệ được hoà khí trong gia đình khi có cãi vã nhưng lại ức chế mạnh mẽ khi không thể nói lên được điều mình suy nghĩ. Hoặc dù thăng tiến rất nhanh trong công việc nhưng rất chán nản bản thân do đây không phải là công việc mà bạn thật sự yêu thích.
3.3 – Tự chỉ trích bản thân:
Bạn luôn nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi, dù đã nỗ lực rất nhiều. Cảm giác chưa đủ này cũng có thể xuất hiện ở các khía cạnh khác như chưa đủ nhẫn nhịn, chưa đủ kiến thức, chưa đủ bao dung vị tha, v.v
3.4 – Cảm giác chán nản:
Do liên tục cố gắng nhưng không đưa đến kết quả như mong đợi nên bạn chán nản bản thân hoặc chán nản những điều khác trong cuộc sống. Và khi chán nản tăng cao thì bạn càng động viên bản thân phải tiếp tục cố gắng, tự trách bản thân lười biếng chưa đủ cố gắng.
KẾT LUẬN
Cảm giác “Tôi cần cố gắng hơn nữa” có thể xuất phát từ hai nguồn:
- Nỗi sợ – Sợ thất bại, sợ bị đánh giá, sợ không được ghi nhận.
- Sự hào hứng – Mong muốn phát triển bản thân một cách lành mạnh.
Sự cố gắng không phải lúc nào cũng là câu trả lời. Đôi khi, dừng lại để điều chỉnh, thay đổi góc nhìn, hoặc thậm chí chấp nhận rằng một số thứ không thể kiểm soát mới là cách giúp bạn tiến xa hơn.
Hãy thử đặt câu hỏi: “Liệu có một cách nào khác để đạt được điều mình mong muốn, mà không nhất thiết phải ép bản thân kiệt sức?”
Nếu bạn nhận ra mình đang vướng vào các bẫy tâm lý khiến bạn cố gắng một cách không lành mạnh, đừng ngần ngại đặt lịch hẹn cùng Nhi nhé.
Nhà trị liệu Trần Khoa Việt Nhi