Động lực thành công của bạn xuất phát từ tình yêu hay sự tự ti?

Mục lục

Nếu trên hành trình tìm kiếm thành công và hạnh phúc của bạn, bạn cảm thấy dù mình có tài sản nhiều hơn, thăng tiến hơn, ngoại hình đẹp hơn nhưng dường như bạn không bao giờ hoặc hiếm khi thấy sự hài lòng về bản thân tăng lên. Bạn luôn cảm thấy mình cố gắng không đủ, cần phải cố gắng nhiều nhiều nữa. Và rồi bạn cảm thấy khó khăn trong việc duy trì động lực để đạt được mục tiêu, thì bạn nên đặt câu hỏi về động lực phấn đấu để phát triển của mình. Có 2 loại động lực vươn đến thành công. Đó là động lực xuất phát từ cảm giác xấu hổ và tự ti (Shame-based motivation), và động lực xuất phát từ tình yêu (Love-based motivation).

Động lực thành công bắt nguồn từ tình yêu, Động lực thành công bắt nguồn từ sự tự ti, tham vấn tâm lý, chữa lành, Shame-based motivation, Love-based motivation

1. Động lực thành công xuất phát từ sự tự ti và xấu hổ (Shame-based motivation)

Để biết động lực phấn đấu của bạn có dựa trên cảm giác xấu hổ và tự ti hay không, bạn có thể xem mình có các dấu hiệu như sau hay không nhé:

  • Một là cảm thấy phiên bản hiện tại của mình rất tệ, không đủ giỏi, không đủ giàu, không đủ giá trị, không đủ thú vị, không xứng đáng được yêu thương, trân trọng, không đủ để người khác tôn trọng và quý mến. Cảm giác này xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện nhưng không biến mất dù cho bạn thật sự đã có nhiều sự tiến bộ trong cuộc sống.
  • Hai là cảm thấy thôi thúc phải thoát ra khỏi phiên bản này thật sớm, thật nhanh. Đôi khi đến mức bạn sẵn sàng hy sinh các mối quan hệ khác như không dành thời gian tâm sự lắng nghe vợ chồng con cái, hy sinh sức khoẻ để dành toàn bộ công sức và suy nghĩ nhằm sửa chữa và thay đổi bản thân.

Với động lực xuất phát từ sự xấu hổ và tự ti, bạn có thể đạt được thành công nhanh chóng và vang dội. Bởi vì mỗi khi bạn cảm thấy không đủ, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn, cố gắng hơn để chứng minh giá trị của mình. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn cảm thấy khổ sở, mệt mỏi và kiệt sức. Đôi khi bạn hoài nghi mục tiêu của mình bởi vì khi nhìn lại, bạn thấy có nhiều thứ trông có vẻ ổn nhưng bạn cảm nhận rất rõ là bạn không ổn.

Dù bạn có đạt được bao nhiêu thành công, nếu động lực của bạn xuất phát từ sự xấu hổ, bạn sẽ luôn cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và bất an. Vì sao? Bởi vì bạn luôn cảm thấy rằng thành công của mình không đủ để che lấp những khuyết điểm và thiếu sót bên trong. Bạn không cảm thấy hạnh phúc thực sự, và luôn có nỗi lo lắng rằng mình sẽ không bao giờ đủ tốt, đủ giỏi.

Tóm lại: Shame-based motivation là động lực của sự thay đổi, khi bạn muốn “sửa chữa tuyệt đối” hoặc chạy trốn, thoát khỏi phiên bản hiện tại. Tại phiên bản hiện tại này, bạn cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương, trân trọng, thấy mình yếu kém và quá nhiều khuyết điểm không thể chấp nhận được. Động lực này giúp bạn vươn lên rất nhanh, khiến bạn thấy mình mạnh mẽ hơn, ve vuốt cảm giác tự ti trong sâu thẳm.

2. Động lực thành công xuất phát từ tình yêu (Love-based motivation)

Bây giờ, hãy cùng chuyển sang một loại động lực khác – đó là “Love-based motivation”, hay còn gọi là động lực từ tình yêu.

Động lực thành công xuất phát từ tình yêu không bắt nguồn từ cảm giác dằn vặt khi bản thân có sự thiếu sót hay cảm giác không xứng đáng, mà xuất phát từ sự yêu thương, trân trọng và chấp nhận bản thân. Với động lực này, bạn không cố gắng thay đổi để chạy trốn khỏi phiên bản hiện tại, mà bạn phát triển và hoàn thiện chính mình vì bạn yêu thương và muốn điều tốt nhất cho bản thân.

Khi động lực xuất phát từ tình yêu, các hành động thường trở nên dễ dàng hơn và mang lại cảm giác thỏa mãn. Điều này là vì bạn làm điều đó với lòng đam mê và sự yêu thích thực sự, thay vì cảm giác bị bắt buộc hay áp lực. Tình yêu đối với bản thân và người khác thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển cá nhân, vì nó cho phép bạn tự do thể hiện bản thân mà không bị ràng buộc bởi những hạn chế hay kỳ vọng bên ngoài.

Tóm lại: Love-based motivation là động lực của sự thay đổi kết hợp với sự đón nhận và từ bi với bản thân. Động lực này có xu hướng bền vững hơn so với động lực dựa trên sợ hãi hay áp lực. Khi bạn hành động vì tình yêu, bạn có thể duy trì động lực trong thời gian dài hơn và có khả năng đối mặt với những thử thách một cách kiên trì và an nhiên hơn.

Đối với Shame-based motivation thì bạn có khuynh hướng chối bỏ hoặc đánh giá thấp các tài năng của mình, và nâng cao quá mức khuyết điểm. Bạn cũng có thể từ chối hoặc ngại ngần khi đón nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác. Tất cả những điều này sẽ khiến bạn không sử dụng hiệu quả những nguồn lực mà bạn có.

Nhưng đối với Love-based motivation thì bạn khách quan thấy được mình giỏi cái gì, yếu cái gì, biết khi nào cần độc lập, biết khi nào cần kêu gọi sự hỗ trợ. Do đó, con đường thành công của bạn dù vẫn đối diện với chông gai thì tinh thần bạn vẫn lạc quan và khá là bình tĩnh.

Với loại động lực bắt nguồn từ tình thương, bạn có thể vẫn đạt được những thành công lớn, nhưng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn trong hành trình của mình. Bạn không cảm thấy kiệt sức hay bất an, vì bạn biết rằng mình xứng đáng được yêu thương và trân trọng, dù cho mình có ở đâu trên con đường phát triển.

3. Làm thế nào để chuyển đổi động lực?

Nếu bạn nhận ra rằng cố gắng trong cuộc sống của mình đang sử dụng “shame-based motivation”, đừng lo lắng. Chúng ta có thể chuyển đổi động lực từ sự xấu hổ sang động lực từ tình yêu bằng cách:

Một là thực hành nhận biết, chấp nhận bản thân: Hãy thừa nhận những khuyết điểm của mình và học cách chấp nhận chúng. Không ai hoàn hảo cả, bạn giỏi chỗ này, không giỏi chỗ kia. Hoàn hảo tuyệt đối là một mục tiêu không khả thi, không bao giờ đạt được.

Hai là thực hành tự yêu thương: Dành thời gian chăm sóc bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn hãy đối xử với mình như một người bạn thân yêu nhất.

Ba là thực hành sự từ bi với bản thân: Khi gặp khó khăn hoặc mắc lỗi, thay vì chỉ trích và tự trách, hãy tự nhủ rằng mình đáng được tha thứ và động viên bản thân một cách từ bi. Hãy tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một người bạn thân đang gặp khó khăn, và sử dụng cùng một giọng điệu ấm áp, động viên đối với chính mình.

Bốn là làm việc cùng nhà trị liệu: Nếu cảm thấy quá khó khăn để tự mình thay đổi, bạn có thể tìm đến một nhà trị liệu. Họ có thể giúp bạn nhận diện và xử lý những cảm xúc sâu kín, cung cấp cho bạn những công cụ và chiến lược để chuyển đổi từ “shame-based motivation” sang “love-based motivation”. Một chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và hỗ trợ bạn trong hành trình yêu thương và chấp nhận chính mình.

Nhà trị liệu Trần Khoa Việt Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *