Nhi tình cờ đọc được câu này: “Chỗ dựa tinh thần của con người có thể là âm nhạc, sách vở, thể dục thể thao hay công việc và non sông biển hồ, chỉ duy nhất không phải là con người mà thôi.” Câu nói này, mặc dù không có trong Trăm năm cô đơn như hình ảnh trích dẫn, nhưng Nhi biết nó “chạm” tới một nỗi niềm sâu kín của rất nhiều người. Liệu có phải để bình an từ bên trong thì không nên chọn “con người” làm chỗ dựa tinh thần?
MỘT NỬA SỰ THẬT: CÔ ĐƠN HIỆN SINH
Có một (nửa) sự thật rằng dù có nỗ lực kết nối và yêu thương lẫn nhau đến mấy, thì người khác cũng không thể hiểu hoàn toàn bạn được. Trên hành trình cuộc sống, khi bắt đầu lớn lên thì con người bị “bắt” phải tự xác định ý nghĩa cuộc sống của chính mình, mà những chỉ dẫn từ gia đình, những giá trị hay chuẩn mực xã hội, tôn giáo hay bất kỳ hệ thống nào cũng không làm giúp được. Cộng với nhận thức rằng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể truyền tải hoàn toàn mọi cảm xúc, suy nghĩ và nỗi niềm trong lòng đến người khác (và ngược lại) – Thì rõ ràng việc dựa vào người khác khi hoang mang về ý nghĩa cuộc đời của bản thân sẽ không thể giải quyết “dứt điểm” cảm giác cô đơn được. Chỉ có thể tự dựa vào chính mình mà thôi.
MỘT NỬA SỰ THẬT CÒN LẠI: CÔ ĐƠN DO ĐỨT GÃY KẾT NỐI
Một trong những lý do khiến Nhi thấy lo lắng khi đọc những câu quote kiểu trong hình chính là thiếu đi bối cảnh của câu nói. Điều đó khiến cho những người đang trong trạng thái cô lập do tổn thương khi đọc vào thì cảm thấy như có thêm sự động viên để tiếp tục duy trì việc tránh xa con người. Bởi vì với những ai đang mang trong tim những nỗi đau sâu sắc, cộng với việc thiếu hụt kỹ năng kết nối với bản thân và xã hội thì chấm dứt kết nối chính là giải pháp nhanh, gọn và dễ làm nhất.
Alfred Adler, một trong những nhà tâm lý vĩ đại của thế giới, đã từng nói “Mọi vấn đề đều là vấn đề của các mối quan hệ giữa con người với con người,” và “Mọi thất bại cũng chính là thất bại của các mối quan hệ giữa người với người.” Sự cô đơn, theo Adler, không chỉ là cảm giác thiếu vắng sự hiện diện của người khác, mà còn là sự thất bại trong việc kết nối với họ. Mối quan hệ giữa con người với con người là điều thiết yếu cho sự sống, sự phát triển, và chính sự cô đơn cũng là hệ quả của những thất bại trong các mối quan hệ đó.
Và để xoay sở với cảm giác cô đơn do không thể kết nối này, người ta sẽ tìm đến những thứ không phải là con người để làm chỗ dựa tinh thần.
Sợ tổn thương
Một trong những lý do chính khiến con người chọn cô lập là vì họ sợ bị tổn thương. Việc mở lòng với người khác đồng nghĩa với việc chấp nhận khả năng bị từ chối, bị hiểu lầm, thậm chí bị tổn thương. Khi lựa chọn sống đơn độc, họ nghĩ rằng mình sẽ tránh được những đau đớn này. Cảm giác không thể chạm đến một kết nối đích thực với người khác khiến họ cảm thấy an toàn hơn trong vòng tròn riêng của mình. Nhưng rồi, cái sự an toàn này lại chính là nguồn gốc của sự cô lập – một vòng lặp không có lối thoát.
Thấy mình đặc biệt hơn người khác
Tuy nhiên, có một nhóm người khác cũng tìm thấy lý do để cô lập mình không hẳn vì sợ tổn thương, mà vì họ cảm thấy mình đặc biệt, khác biệt hoặc cao quý hơn người khác. Họ cảm thấy rằng xã hội này quá tầm thường, quá nhiều tiêu cực, không xứng đáng để họ phải tiếp xúc và kết nối. Họ thấy mình là những cá thể độc đáo, những linh hồn cao cả không thể hòa mình vào dòng chảy chung. Nhưng liệu sự đặc biệt đó có thực sự là sự thật, hay chỉ là một cách bào chữa cho sự sợ hãi và sự thiếu tin tưởng vào khả năng kết nối của bản thân?
Tóm lại, câu nói “Chỗ dựa tinh thần của con người có thể là âm nhạc, sách vở, thể dục thể thao hay công việc và non sông biển hồ, chỉ duy nhất không phải là con người mà thôi” thật ra là một bức tranh bị thiếu đi nhiều hoạ tiết quan trọng. Mặc dù câu nói trên phản ánh một phần sự thật về sự cô đơn, về cách con người có thể tìm thấy sự an ủi trong những thứ không phải là con người, nó vẫn thiếu đi góc nhìn quan trọng về sự chữa lành và kết nối. Một nửa sự thật không phải là sự thật. Để chữa lành, để thoát khỏi cô đơn, chúng ta cần sự kết nối – không chỉ với những thứ vô tri vô giác, mà với chính bản thân mình và với những người xung quanh.
Một trong những điều quan trọng mà chúng ta cần học là làm thế nào để kết nối với chính mình trước. Sự kết nối với bản thân chính là chìa khóa mở cánh cửa đến với những kết nối lành mạnh với người khác. Khi ta không hiểu rõ bản thân, khi ta không chấp nhận chính mình, ta sẽ không thể nào xây dựng được những mối quan hệ vững chắc với thế giới xung quanh. Việc kết nối với bản thân, yêu thương chính mình, chính là bước đầu tiên trong hành trình kết nối với người khác.
Nhà trị liệu Trần Khoa Việt Nhi
Tìm hiểu workshop “Cô đơn hiện sinh và Cô đơn tương tác” tại đây