Lắng nghe cảm xúc là một phần rất quan trọng trong hành trình chăm sóc bản thân. Có thể bạn đang nghĩ: “Ôi, tôi không cần phải lắng nghe cảm xúc của mình, vì tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại vẫn ổn và thoải mái”. Vậy tại sao đôi khi việc bỏ qua cảm xúc có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu trong ngắn hạn? Có 4 lý do chính nhé:
1. Không lắng nghe cảm xúc để giảm áp lực tâm lý tạm thời và duy trì hiệu suất công việc
Khi đối diện với cảm xúc tiêu cực như buồn bã, lo âu, hay giận dữ, chúng ta cần rất nhiều năng lượng và sự tập trung để xử lý chúng. Đặc biệt khi có rất nhiều việc cần phải hoàn thành, bạn có thể cảm thấy rằng việc bỏ qua cảm xúc là cách tốt nhất để giảm áp lực tạm thời. Điều này giúp bạn tập trung vào công việc mà không bị gián đoạn bởi cảm giác căng thẳng.
Tuy nhiên, việc liên tục bỏ qua cảm xúc của mình có thể dẫn đến tình trạng trống rỗng hoặc cảm giác vội vã, như thể bạn chỉ đang tồn tại mà không thật sự sống. Dần dần, bạn có thể mất động lực làm việc và thậm chí mất động lực sống. Cảm xúc là một phần quan trọng của động lực. Mất đi cảm xúc sẽ khiến việc đạt được mục tiêu không làm cho bạn cảm thấy thoả mãn.
2. Không lắng nghe và bày tỏ cảm xúc để duy trì hình ảnh cá nhân
Đôi khi, chúng ta bỏ qua cảm xúc để duy trì hình ảnh mạnh mẽ và kiên định trước người khác. Khi thấy bản thân được khen ngợi là chuyên nghiệp, thấy người khác ngưỡng mộ mình về sự lạc quan tích cực, thấy công việc và danh tiếng gia tăng, bạn có thể cảm thấy cần phải từ chối đối diện với cảm xúc của mình để duy trì hình ảnh đó.
Khi niềm vui và sự thoả mãn về việc duy trì hình ảnh cá nhân tốt đẹp cứ tiếp tục gia tăng, bạn sẽ có lý do, có động lực để tiếp tục từ chối đối diện với các cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, việc giữ mãi hình ảnh này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và mất phương hướng. Ví dụ, một người bạn của Nhi rất coi trọng việc thể hiện mình là người vui vẻ, nhiệt tình và tích cực. Anh ấy không thể chấp nhận rằng mình cũng có những cảm xúc nhạy cảm và dễ tổn thương. Anh ấy cấm mình khóc và luôn tìm việc để làm khi gặp khó khăn. Dù có nhiều bạn bè, anh ấy lại cảm thấy rất cô đơn và không dám chia sẻ cảm xúc của mình. Kết quả là, anh ấy gặp phải trầm cảm.
3. Không lắng nghe và bày tỏ cảm xúc chính là cách tự bảo vệ bản thân
Khi bạn vừa dũng cảm nói ra cảm xúc khó chịu của mình cho người khác nghe, nhưng bạn không được thấu hiểu. Bạn mệt mỏi và đau đớn khi phải đối diện với phản ứng tiêu cực của người kia. Dần dần, bạn nhận ra không bộc lộ gì hết mới là an toàn, phải che giấu cảm xúc bạn mới sống yên ổn được. Đây chính là một cơ chế tự bảo vệ tự nhiên của tâm lý con người. Nó giúp bạn tránh được sự tổn thương tinh thần và cảm giác yếu đuối trong những tình huống khó khăn.
Thế nhưng cơ chế phòng vệ này chỉ bảo vệ được bạn khỏi những đau khổ từ bên ngoài. Ở bên trong, nếu bạn luôn giấu kín những gì mình nghĩ, những gì mình cảm thấy thì bạn sẽ rất dễ cô đơn, có nguy cơ trầm cảm hoặc mắc các hội chứng về tâm lý.
4. Bạn không thấy hiệu quả ngay lập tức khi lắng nghe cảm xúc của mình
Đôi khi, sau khi bạn nhận ra cảm xúc của mình, bạn có thể không biết phải làm gì để cải thiện tình hình. Chẳng hạn, bạn biết mình đang giận sau khi nghe lời phàn nàn của sếp, nhưng bạn không biết làm sao để xoay sở với cảm giác giận dữ này nhằm cải thiện mối quan hệ với sếp. Ngoài ra, bạn không thấy được cảm gíac giận dữ này có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề cấp bách. Do đó, bạn có thể chọn cách bỏ qua cảm xúc vì không thấy hiệu quả ngay lập tức của việc lắng nghe cảm xúc.
Trên thực tế, lắng nghe và đối diện với cảm xúc cần nhiều kiến thức và thực hành. Đôi khi, phải mất một khoảng thời gian để thấy sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của bạn.
Tóm Lại
Cảm xúc là một phần quan trọng của hệ thống ra quyết định của con người, giúp bạn ra quyết định sáng suốt và sống một cuộc đời cân bằng. Trong dài hạn, việc bỏ qua cảm xúc có thể dẫn đến căng thẳng, lo âu, và mất động lực. Sức khỏe thể chất của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng, như nhức đầu, mệt mỏi, và các bệnh về tiêu hóa và tim mạch. Nguy cơ đổ vỡ các mối quan hệ cũng cao hơn.
Hãy nhớ rằng, việc lắng nghe cảm xúc là một kỹ năng cần được học và thực hành. Việc làm này giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, duy trì sự cân bằng trong cuộc sống và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp hơn. Việt Nhi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng bạn trong hành trình này.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này! Nếu thấy thông tin hữu ích, đừng quên chia sẻ và nhấn đăng ký theo dõi để không bỏ lỡ những bài viết tiếp theo. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.
Nhà trị liệu Trần Khoa Việt Nhi