Không biết bạn đã từng rơi vào tình huống phải ở bên cạnh hoặc phải làm việc với người có thông minh cảm xúc thấp nhưng lại họ lại nghĩ… ngược lại. Nhiều người cho rằng thông minh cảm xúc thấp là một khuyết điểm không thể chấp nhận được. Đặc biệt là những người đã đạt được thành tựu trong cuộc sống, hoặc rất nổi trội trong cộng đồng nào đó.
Một tình huống trong công việc:
Sếp A thường xuyên nổi giận khi nhân viên góp ý kế hoạch truyền thông trong các buổi họp. Sếp phản kháng bằng những lời lẽ như:
“Kinh nghiệm của em thì có bao nhiêu? Kinh nghiệm không bằng anh được thì nên nghe nhiều hơn là nói”, hoặc “Em học đâu ra các ý tưởng này? Ý tưởng nào của em anh thấy cũng không khả thi cả!”.
Sau một thời gian thì không khí trong phòng ban trầm lắng xuống, lạnh lẽo đi. Rồi sếp đứng ra hướng dẫn buổi đào tạo nội bộ về Thông minh cảm xúc nhằm thúc đẩy tinh thần gắn kết đội nhóm. Nhân viên vừa tham gia vừa nghĩ trong bụng “Sếp mới chính là người đầu tiên cần phải cải thiện thông minh cảm xúc đó”.
Một tình huống trong yêu đương:
Anh kể với em: Hôm nay đi ăn trưa, anh nghe ông B kể là Phòng nhân sự bọn anh chẳng làm được cái gì ra hồn. Anh bực lắm!
Em: Chuyện đó nhỏ xíu mà anh cũng để ý.
Nhiều lần như vậy, anh góp ý với em nhưng em đều bỏ mặc, lúc nào cũng nói anh đòi hỏi. Anh lên mạng tìm hiểu về thông minh cảm xúc rồi gửi bài cho em xem. Em giận dỗi, bảo em là người nhạy cảm, tinh tế, lúc nào cũng để ý những chuyện nhỏ của anh như là anh ăn ngon không, anh mặc áo quần đi làm có chỉn chu không. “Em tinh tế như vậy mà anh dám nói em thông minh cảm xúc thấp”.
Theo quan sát của Việt Nhi, để tự biết được mình có thông minh cảm xúc cao hay thấp thật sự rất khó. Nhiều người nhầm tưởng, cho rằng bản thân có thông minh cảm xúc cao khi thấy mình nhạy cảm và có lòng tốt, lòng thương người. Tuy nhiên, người tốt bụng và nhạy cảm không chắc là người có thông minh cảm xúc cao. Thật ra đôi khi những phản hồi của người xung quanh lại rất có giá trị để khiến bạn nhìn nhận mức độ thông minh cảm xúc của mình.
Có 3 nguyên nhân chính khiến cho một người có EQ thấp không nhận ra mình có EQ thấp:
1 – Thông minh cảm xúc kém nên hiểu sai cảm xúc của bản thân
– Thông minh cảm xúc thấp dẫn đến việc họ hiểu sai cảm xúc, cảm giác của bản thân. Ví dụ như trong sâu thẳm, họ rất thiếu tự tin nhưng lại luôn tin rằng họ đang rất tự tin. Điều này có thể dẫn đến việc họ không nhận ra và không chấp nhận được thực tế về khả năng quản lý cảm xúc của mình.
2 – Thông minh cảm xúc thấp nên tin rằng mình đúng dựa vào logic
– Khi đánh giá một vấn đề, người có EQ thấp thường dựa vào logic hơn là cảm xúc. Họ có xu hướng suy luận ra quyết định dựa trên dữ liệu có sẵn và các lý do hợp lý hơn là dựa vào cảm xúc hay trực giác. Điều này khiến cho việc thừa nhận thông minh cảm xúc thấp trở nên khó khăn, vì họ thường tin rằng quyết định của mình là đúng dựa trên logic.
3 – Thông minh cảm xúc thấp nên thúc đẩy cơ chế phòng vệ
– Người có EQ thấp thường hiểu sai cảm xúc của người khác. Ví dụ khi được góp ý, dù đối tác có cảm xúc tốt và thiện chí nhưng sẽ bị hiểu thành chỉ trích và đối nghịch. Do đó, cơ chế phòng vệ của họ sẽ được kích hoạt ngay, khiến họ trở nên phòng thủ và không hợp tác, không lắng nghe. Khi góp ý bị hiểu sai là chỉ trích thì mâu thuẫn và căng thẳng sẽ diễn ra, họ không còn cởi mở để biết bản thân đang thực sự có khuyết điểm gì.
Có lần, trong một lớp học tâm lý, Việt Nhi có nghe giảng viên của mình nói rằng, khi một người không sẵn sàng thì rất khó để tác động đến họ. Do đó, nếu bạn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ người có thông minh cảm xúc thấp ở gần mình thì cách tốt nhất vẫn là bạn phải nâng cao “nội lực” của chính bạn thôi.
Nhà trị liệu Trần Khoa Việt Nhi