Viet Nhi Health Coach logo

Overthinking (P1) – Thích phân tích nhưng năng lực phân tích thấp

Mục lục

“Tôi không thể ngừng suy nghĩ được”

“Mỗi lần nhắm mắt trước khi ngủ là hàng tỷ suy nghĩ ùa tới, tôi không thể nào ngủ được”

“Vợ anh cứ bảo anh suy nghĩ nhiều, làm mọi thứ phức tạp lên”

Một ai đó bị quá tải suy nghĩ thì chắc hẳn sẽ thường xuyên mệt mỏi, và khiến cho những người xung quanh của họ cũng mệt mỏi khi phải liên tục chạy theo để hiểu những suy nghĩ của họ.

Một ai đó bị overthinking thì chắc hẳn họ cũng đã từng nhiều lần tìm cách thay đổi sự phức tạp của mình. Nhưng đáng tiếc là dùng suy nghĩ để kiểm soát suy nghĩ thì thường thất bại nhiều hơn thành công.

Nhi muốn chia sẻ vài góc nhìn dành cho những bạn nào đang suy nghĩ quá nhiều, để các bạn hiểu vấn đề của mình hơn và có cách giải quyết hợp lý. Phần 1 hôm nay sẽ nói về nguyên nhân đầu tiên: “Tính cách thích phân tích, thích suy luận nhưng mà năng lực, khả năng phân tích lại thấp”

TÍNH CÁCH THÍCH SUY LUẬN

Đó là khi có chuyện gì đó xảy ra, thì trong đầu bạn ngay lập tức có motif suy nghĩ: Tại A tại B tại C nên mới có D;

Đó là khi bạn thích liên kết mọi thứ lại để nhìn sự việc dưới góc độ hệ thống.

Đó là khi bên trong bạn là người tò mò, thích khám phá và muốn đi tìm lời giải thích cho mọi điều xảy ra trong cuộc đời bạn.

Nhưng bạn cần hiểu là, thích phân tích và có phân tích giỏi hay không lại là hai chuyện khác nhau. Giống như người thích hát, dù thường xuyên hát thì cũng chưa chắc hát hay. Do đó, nếu những suy luận của bạn thường xuyên dẫn tới kết quả không mong muốn và bị overthinking thì bạn có thể suy nghĩ tới nguyên nhân này nhé.

NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC NĂNG LỰC PHÂN TÍCH THẤP

Năng lực suy luận thấp có thể đến từ việc:

– Chịu nhiều ảnh hưởng của các áp đặt trong văn hóa vùng miền, văn hóa gia đình:

Ví dụ làm cha mẹ buồn là bất hiếu cho dù yêu cầu và mong muốn của cha mẹ không hợp lý. Do đó, cách bạn giải thích mâu thuẫn của mình với ba mẹ sẽ rơi vào thiên kiến, bị lệch đi, tự dằn vặt bản thân quá mức.

Chịu ảnh hưởng của tôn giáo một cách mù quáng:

Ví dụ, bạn giải thích tất cả các trắc trở mình đang gặp là do nghiệp quả, là do những tội lỗi từ kiếp nào xa xôi còn ảnh hưởng đến bạn trong kiếp này. Khi đó, bạn quy chụp về một nguyên nhân mà mình không thể cải thiện được, bạn không học được bài học kinh nghiệm nào cả. Do đó các rắc rối cứ liên tục kéo đến khiến cho tâm trí bạn hỗn loạn không ngừng.

– Thiếu kinh nghiệm, do còn quá trẻ hoặc còn quá mới trong nghề:

Logic của một người 18 tuổi và logic của người 45 tuổi chắc chắn sẽ có sự khác nhau, đúng không nào? Đây là lộ trình mà mỗi người trong chúng ta không ai đi tắt đón đầu được.

– Bắt chước cách suy nghĩ của người khác mà thiếu đi việc kết nối với bên trong của mình:

Ví dụ nhé, bạn thường hay nghe nói về lợi ích của tư duy tích cực. Bạn được khuyên phải suy nghĩ tích cực lên, phải nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp, đừng tập trung vào đau khổ v.v Bạn cố tình điều hướng tư tưởng, suy nghĩ của mình nghiêng về hẳn một phía mà quên mất rằng, người luôn cố gắng tích cực là người ẩn chứa rất nhiều tiêu cực do bị dồn nén, từ chối đối diện. Kiểu người này sẽ luôn bị overthinking dù suy luận có vẻ rất logic, rất hợp lý.

– Bị dẫn dắt bởi nỗi sợ, nỗi sợ khiến bạn có những suy diễn không thực tế

Nỗi sợ sẽ kiểm soát cách mà bạn phân tích. Ví dụ, ẩn sâu bên trong bạn có nỗi sợ sai, sợ mình không đúng. Khi người khác góp ý với bạn, dù họ không có ác ý nhưng bạn sẽ suy diễn ra thành hàng loạt tưởng tượng tự trách mình hoặc trách người dẫn đến quá tải suy nghĩ.

– Mắc các lỗi trong suy luận:

Ví dụ, nhiều bạn mắc lỗi trong phân tích là kết luận quá sớm, tổng quát quá lên từ một số ít dữ kiện, kiểu như có 5 người nói không thích bạn thì bạn tổng kết thành cả thế giới này cũng ko thích bạn luôn. Khi mà bạn đã tin là ai cũng có thể ghét mình, mình ko có gì đặc sắc giỏi giang để người khác quý mến thì bạn sẽ không ngừng có những suy nghĩ đánh giá bản thân, mỗi lần định nói gì ra thì có hàng trăm suy nghĩ ngăn cản bạn. Kết quả là bạn không nói ra ngoài nhưng bạn nói trong đầu, thế là quá tải.

Hoặc giả sử bạn là content writer đi, có vài người nói bạn viết ko hay, xong bạn đẩy lên luôn, ra kết luận luôn là bạn viết dở, bạn ko có năng khiếu viết, cứ viết ra là sẽ bị sai. Cho nên mỗi lần bạn chuẩn bị viết cái gì thì rất nhiều suy nghĩ cân nhắc đắn đo tính toán tới lui cho bài viết, cuối cùng thì bạn không viết được gì cả. Và bạn lại có nhiều suy nghĩ tự chỉ trích mình, cho là mình dở.

Mời các bạn xem tiếp các nguyên nhân của overthinking trong các bài sau nhé. Nếu bài viết có ích cho bạn thì hãy comment chia sẻ ý kiến nhé.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *