Lắng nghe chính mình thật sự là lắng nghe cái gì?

Mục lục

Lắng nghe chính mình thật sự là lắng nghe cái gì?

Câu hỏi này đặc biệt quan trọng đối với các bạn mới bắt đầu thực hành tỉnh thức. Bởi vì khi nghe thì bạn cần 1 đối tượng cụ thể để nghe chứ ko nghe chung chung được.

Có 5 điều bên trong mà bạn cần lắng nghe:

1 – Lắng nghe chính mình thông qua cảm xúc:

Cảm xúc là một phần quan trọng của con người. Cảm xúc tác động rất lớn đến các hành vi, sự lựa chọn của bạn.

Mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra, bạn chậm lại 1 chút để cảm nhận thử xem bên trong bạn trỗi lên cảm xúc gì. Ví dụ khi cãi nhau với chồng, bạn thấy mình có cảm xúc giận, bực bội, tủi thân. Khi được sếp khen ngợi, bạn thấy vui và tự hào. Quan trọng ở đây là chỉ cảm nhận chứ không có tự phán xét. Kiểu như không được giận, không được bực bội vì cảm xúc này là xấu, cảm xúc kia là tiêu cực, phải triệt tiêu các cảm xúc “xấu xa” đó.

Nếu bạn từ chối lắng nghe cảm xúc của mình, bạn sẽ không hiểu được trọn vẹn bản thân của mình và luôn thấy mâu thuẫn, ức chế.

2 – Lắng nghe chính mình thông qua phản ứng cơ thể:

Thứ hai là lắng nghe phản ứng cơ thể, hay còn gọi là ngôn ngữ cơ thể. Cơ thể phản ứng càng dữ dội thì sự thật là sự việc mà bạn đang đối diện càng nghiêm trọng.

Ví dụ như khi phải ở bên cạnh người mà bạn không thích thì cơ thể bạn co lại, ngả người ra xa. Hoặc khi bạn gọi điện về cho mẹ mà bị mẹ thúc ép chuyện gửi tiền về nhà thì bao tử bạn co quặn lại.

3 – Lắng nghe trực giác của bản thân

Trực giác hiểu nôm na tiếng nói bên trong của bạn, là những lời chỉ dẫn nên chọn cái gì mỗi khi bạn hoang mang. Tiếng nói này vang lên rất nhanh mà ko trải qua quá trình tư duy dài dòng. Trực giác phần lớn là những chỉ dẫn đúng đắn giúp bạn hạnh phúc và bình an, chứ không phải là giúp bạn giàu có hay gia tăng địa vị nhé.

Ví dụ trực giác nên mở cty hay nên đóng cửa cty, nên kết hôn lúc này hay chờ thêm 1 thời gian nữa rồi mới cưới, có nên đầu tư mua đất ở lúc này không,…

4 – Lắng nghe nỗi sợ của bản thân

Nỗi sợ cũng là tiếng nói bên trong. Nhìn thoáng qua thì nó rất giống với trực giác. Nhưng sự thật là nó che đi trực giác. Nhận biết nỗi sợ sẽ giúp cho bạn sáng suốt hơn khi đưa ra quyết định trong cuộc đời mình.

Ví dụ, trực giác là không nên kết hôn với anh chàng này nhưng vì sợ ba mẹ buồn nên bạn quyết định cưới luôn.

Hoặc trực giác là không nên hùn tiền với người bạn A cùng mua miếng đất này. Nhưng bạn có nỗi sợ khiến người khác buồn lòng, không hài lòng về mình. Cuối cùng bạn quyết định chi một khoản tiền rất lớn dù trong lòng không vui chút nào.

lắng nghe bản thân, chữa lành, tham vấn tâm lý, coach, Tran Khoa Viet Nhi, trầm cảm, rối loạn lo âu

5 – Lắng nghe nhu cầu của bản thân

“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn). Đến cả sỏi đá cũng có nhu cầu, cây xanh cần nước và nắng, hoa cần phân bón và đất tốt, chó mèo cần bạn đồng hành hoặc cần chủ,… Xung quanh ta, cái gì cũng có nhu cầu của riêng nó. Dĩ nhiên, bạn cũng có nhu cầu, rất nhiều nữa là khác.

Ví dụ bạn có nhu cầu được ôm ấp, có nhu cầu được nói chuyện, có nhu cầu được khen ngợi, hay có nhu cầu được thấy mình là người ưu tiên trong tâm trí người yêu, v.v

Đôi khi bạn nghe nhiều video kinh phật quá, nghe nói ko nên tham, nên buông bỏ, bạn ép mình không cần, ép mình chối bỏ. Tuy nhiên sự ép buộc của lý trí không thể dập tắt nhu cầu được. Việt Nhi biết rất nhiều người trầm cảm bởi vì họ không thể hiểu được tại sao dù rất lý trí và tỉnh táo nhưng cứ thấy đau khổ và trống rỗng. Bởi vì sự chối bỏ các nhu cầu khiến cho họ không thể kết nối với bản thân được.

Xin lưu ý: Ở đây Nhi nhấn mạnh là lắng nghe nhu cầu chứ không phải là cố gắng đạt được nhu cầu nha. Giả sử bạn có nhu cầu được khen ngợi, bạn ghi nhận rằng bạn muốn như vậy chứ Nhi không có ý nói việc phấn đấu để được tất cả mọi người khen ngợi là lành mạnh nha.

5 điều trên là 5 đối tượng cơ bản mà bạn cần lắng nghe. Nếu gặp khó khăn trong việc vượt qua các bối rối của tâm trí thì hãy liên lạc với Việt Nhi nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *