Việt Nhi đã làm việc với nhiều thân chủ và khách hàng gặp vấn đề là không thể, không muốn, không dám bộc lộ hết con người thật và suy nghĩ thật của mình với người khác. Để rồi thời gian trôi qua thì những người ấy dù giao tiếp rất tốt, dù có năng lực chuyên môn giỏi và cũng rất tử tế nhưng lại rơi vào trầm cảm và rối loạn lo âu. Việc chối bỏ (một vài khía cạnh hoặc toàn bộ) bản thân là một rào cản kiên cố ngăn cản một người tạo ra những thay đổi lớn để chuyển hoá cuộc sống. Nó có thể khiến cho bạn mệt mỏi và kiệt sức kể cả tinh thần lẫn cơ thể, dù bạn ăn uống sinh hoạt lành mạnh, hoặc dù không có biến cố nào đang xảy ra với bạn cả.
Nhi cũng đã từng tự mình che giấu bản thân. Kiểu như là “Tôi chẳng thể nào chấp nhận được tôi lại là người như vậy”. Hoặc trong một thời gian dài lúc tự chữa lành tổn thương thì Nhi nhận ra mình có suy nghĩ “Chuyện này qua rồi, chẳng còn ảnh hưởng gì đến tôi nữa cả”, rồi có khi “Tôi không có khao khát chuyện A đó đâu. Đối với tôi chuyện A đó tôi có cũng được, mà không có cũng chả sao”..
Để rồi sau đó Nhi nhận ra tiến trình chữa lành của mình vẫn trong vòng luẩn quẩn. Hôm nay rảnh rỗi mình chia sẻ lại vài điều để nếu có ai thấy mình trong đây thì ngẫm nghĩ thử xem sao.
1 – NHỮNG ĐIỀU MÀ BẠN THƯỜNG CHE GIẤU HOẶC CHỐI BỎ TRONG BẢN THÂN MÌNH
1.1 – Chối bỏ cảm xúc:
Nếu bạn thường trả lời “Ok I am fine / Ok tui ổn đó” khi được hỏi thăm “Mấy nay bà sao rồi?”, dù bạn đang không ổn mà, người hỏi thăm bạn cũng thấu hiểu và bạn có thể tin tưởng để nói thật được, thì đây là dấu hiệu của việc bạn đang chối bỏ cảm xúc của mình.
Hay khi bạn liên tục tự nhắc mình rằng “Dạo này tôi tiêu cực quá. Không được tiêu cực như vậy. Phải tích cực lên đi chứ!” thì đó cũng là biểu hiện của việc bạn tự che giấu, tự đè nén cảm xúc.
1.2 – Che giấu sai lầm hoặc thất bại:
Khi thấy mình mắc sai lầm hoặc mình đã thất bại, ngay lập tức trong tâm trí con người diễn ra rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc đan xen. Dĩ nhiên phần lớn trong đó không đem lại cảm giác tích cực.
Một số suy nghĩ phổ biến khi phạm sai lầm là:
– Mình sẽ bị người khác dè bỉu chỉ trích,
– Mình không còn được tôn trọng nữa,
– Mình sẽ làm ai đó thất vọng,
– Mình sẽ không còn quyền lực nữa,
– Mình không còn là guru nữa, không ai nghe mình nói nữa
– v.v
Khi bạn chối bỏ chính mình trong giai đoạn thất bại, thì cách mà bạn vượt qua thất bại đó trong ngắn hạn có thể hữu ích. Nhưng trong dài hạn lại đem đến rất nhiều vấn đề tâm lý.
Ví dụ dù bên ngoài bạn rất tự tin nhưng khi một mình, trong tâm trí bạn lại có rất nhiều cuộc hội thoại tiêu cực diễn ra trong tâm trí. Hoặc bạn sẽ khao khát một thứ thành công tuyệt mỹ, tìm kiếm sự hoàn hảo, cầu toàn một cách quá đáng. Hoặc bạn sẽ chùn chân, tránh né các thách thức mới trong tương lai.
1.3 – Chối bỏ các điểm yếu hoặc khó khăn trong cuộc sống của mình
Bạn là người hướng nội. Bạn có điểm mạnh là sự cân nhắc thấu đáo trước khi giao tiếp. Ngoài ra bạn có kỹ năng viết tốt. Điểm yếu là bạn không giỏi hoạt ngôn và không phải là người tạo ra sự hài hước cho nhóm bạn. Nhưng bạn lại rất thèm thuồng và ngưỡng mộ một người khác vì thấy họ rất nhanh nhẹn trong ăn nói, luôn khiến người khác bật cười. Bạn không thể chấp nhận được điểm yếu của mình và luôn ép bản thân cũng phải quảng giao giống như người bạn kia. Đây là một ví dụ của việc bạn chối bỏ điểm yếu của bản thân. Kết quả là bạn luôn thấy mình không hoàn hảo, luôn tự trách mình.
Ngoài ra, có thể kể đến như:
– Cố gắng trở thành một người rất mạnh mẽ và độc lập để che giấu nỗi sợ không được yêu thương, sợ bị bỏ rơi
– Che giấu việc nghiện (rượu bia, thuốc lá, game, sex, phim,…) hoặc những điều khác biệt với số đông vì sợ bị đánh giá, chỉ trích
– Không dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài (khi bị bạo hành, bị ức hiếp, bị trầm cảm sau ly hôn,…) vì muốn duy trì hình ảnh mạnh mẽ, hình ảnh hoàn hảo
– V.v
Tất cả những điều này ngăn cản bạn kết nối sâu với người khác, chần chừ khi muốn kết nối với chính mình và đặc biệt trì hoãn sự đổi mới tốt đẹp hơn.
1.4 – Che giấu các khao khát, kìm nén các ước mơ
Bạn có bao giờ trải qua sự mâu thuẫn này: Bạn luôn cho rằng bạn làm việc chỉ vì tiền lương, bạn không cần ai quan tâm cả. Nhưng khi tin nhắn “ting ting” báo số tiền về tài khoản thì bạn lại thấy bình thường. Trong khi nếu sếp khen ngợi bạn, hoặc đồng nghiệp luôn nhớ đến bạn, luôn cho bạn cảm giác bạn là người rất quan trọng trong team, thì bạn lại thấy vui đến ngây ngất. Nếu mọi người đi chơi mà không rủ bạn, sếp khen người khác mà không khen bạn, thì bạn lại thấy rất bực bội khó chịu, thấy chạnh lòng và lạc lõng.
Đây chính là trường hợp điển hình của việc bạn đã tự che giấu khao khát được ghi nhận, được công nhận, được kết nối.
Khi bạn không thừa nhận hoặc không nhận ra các khao khát thầm kín này thì có thể bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh “Tôi có mọi thứ chỉ trừ niềm vui”. Bạn cũng sẽ tạo ra những lớp mặt nạ khiến cho người khác không thể quan tâm và gắn kết sâu sắc với bạn được.
Và còn 1 loại chối bỏ nữa nhưng chỗ này Nhi sẽ nói trong 1 bài viết khác.
—
Mời bạn đón xem phần 2. Ngoài ra, nếu bạn quan tâm đến vấn đề nào có thể comment câu hỏi hoặc đề nghị của bạn, Việt Nhi sẽ viết bài chia sẻ về chủ đề đó nhé.