1 – NHỮNG CÂU CHUYỆN TỔN THƯƠNG THỰC TẾ
Đây là 3 câu chuyện có thật từ 3 khách hàng của Nhi sau khi họ mở lòng chia sẻ tâm sự của họ với người khác. Cho đến giờ họ vẫn không thể quên được cảm giác bị tạt nước lạnh vào mặt khi kể chuyện cho người có… thông minh cảm xúc thấp.
Câu chuyện 1:
Vài năm trước khi ba của anh A qua đời được vài ngày thì sếp của anh gọi điện thoại báo là anh được cân nhắc thăng tiến cho vị trí quản lý bộ phận IT. Sếp muốn anh A đến công ty để trao đổi về việc đó.
Anh A: Ba của tôi mới mất, tôi đang rất rối trí không thể nghĩ về việc đó được. Có thể chờ tôi quay lại được không?
Sếp: Công ty không thể quan tâm nhiều đến việc riêng của bạn như vậy được. Công việc không chờ ai được. Nếu anh không đến thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ chọn người khác (Và kết quả là công ty chọn người khác thật!)
Anh A lúc đấy đã shock toàn tập vì không thể hiểu nổi tại sao sếp của mình lại có thể nói ra được những lời như vậy. Ngay sau đó anh đã muốn bỏ việc vì không thể chịu nổi sự lạnh lùng mà theo anh là tàn nhẫn đến như vậy từ phía sếp. Dù sau đó anh vẫn tiếp tục ở lại làm việc nhưng cảm giác gắn bó và nhiệt tình cống hiến của anh đã giảm hẳn đến 90%.
Câu chuyện 2:
Vợ: Em ẵm con đau lưng quá anh à, giờ không biết làm thế nào nữa.
Chồng: Anh không quan tâm được đâu em à. Anh đang lu bu quá.
Ngay lúc đó, cô vợ cảm giác rất hụt hẫng. Sau khi hụt hẫng thì cô cảm thấy cô đơn và khoảng cách với chồng lớn hơn một chút.
Câu chuyện 3:
Bạn nhỏ 16 tuổi đi học thêm về: Đi học thêm hoài mệt quá mẹ ơi!
Mẹ: (Thờ ơ) Đi tắm đi rồi xuống ăn cơm. Than hoài, mấy đứa bạn của con cũng đi học thêm mà có đứa nào nói gì đâu.
Thờ ơ chính là “Tôi không quan tâm” bằng ngôn ngữ cơ thể, không cần dùng đến lời nói. Cô bé đối diện trước phản ứng của mẹ thì im lặng và buồn. Khi gặp Nhi thì cô bé đã tâm sự “Mẹ chỉ thích con điểm cao. Con biết mẹ lo cho con nhưng mà nhiều khi con chán nói chuyện với mẹ lắm luôn”. Cô bé tạo ra khoảng cách với mẹ, ít trò chuyện với mẹ hơn và thích có bạn trai vì cô muốn có ai đó để nghe cô nói.
2 – “TÔI KHÔNG QUAN TÂM!” CÓ Ý NGHĨA GÌ
Khi ai đó mở lòng với bạn, nói cho bạn câu chuyện của họ nhưng những gì bạn phản hồi lại là “Tôi không quan tâm” (dù bằng lời nói hay ngôn ngữ cơ thể) thì người kia sẽ cảm thấy bị coi thường, không được xem trọng. Nói cách khác, bạn sẽ đẩy trái tim người khác ra rất xa mình chỉ bằng điều này. Bởi vì điều xảy ra với người kia, họ trải qua cái gì, họ nghĩ cái gì, họ cảm nhận gì… không có ý nghĩa gì với bạn cả. Khi nói “Tôi không quan tâm” nghĩa là bên trong bạn ngay lúc này, có những điều có ý nghĩa khác, quan trọng hơn hơn con người đang đứng nói chuyện với. Nó cũng mang ý nghĩa bạn đang quan tâm tới một điều khác mà không phải những điều mà người kia nói.
Tuy nhiên, nếu bạn có thông minh cảm xúc cao thì bạn có khả năng tạo ra môi trường mà mọi người xung quanh đều cảm thấy được lắng nghe và được thấu hiểu. Bởi vì thông minh cảm xúc có nền tảng là việc bạn thật lòng quan tâm đến cảm xúc của bản thân và của người khác. Bạn hãy lưu ý nha, việc sẵn sàng hiểu quan điểm của người khác và quan tâm đến cảm xúc của họ không có nghĩa là bạn đồng tình, ủng hộ điều họ làm.
Bạn có thể không đồng ý với việc một đứa bé bỏ nhà đi nhưng bạn có thể thấu hiểu nỗi đau buồn khi ba nó nghiện rượu và thường xuyên đánh đập nó ở nhà.
Bạn có thể không đồng ý với việc một người phụ nữ yêu thích một người đàn ông khác ngoài chồng của mình. Nhưng bạn có thể thấu hiểu được sự cô đơn và thiếu tự tin của cô ấy khi rất nhiều lần chồng chê bai cô là người không đủ tốt, không đủ giỏi.
Khi sự thấu hiểu cảm xúc lẫn nhau tồn tại thì người ta có thể dễ dàng sống hoà hợp hơn với những người có quan điểm khác biệt.
3 – BẠN NÊN LÀM GÌ?
Quan tâm đến cảm xúc của người khác là điều bạn không thể giả vờ được. Hầu hết những người có thông minh cảm xúc thấp không thể bắt chước những phản ứng của người có thông minh cảm xúc cao được. Do đó, về gốc rễ thì bạn cần thực hành cải thiện thông minh cảm xúc của bản thân trước đã.
Văn hoá Việt Nam nói chung dù giàu tình làng nghĩa xóm, dù có tính cộng đồng cao nhưng điều đó không có nghĩa là văn hoá Việt Nam chú trọng đến thông minh cảm xúc. Nhiều đứa bé lớn lên trong bối cảnh “Mẹ thương con nên muốn con làm điều này, con phải đạt được điều kia“, người mẹ không hề quan tâm đến con mình có cảm xúc gì khi làm điều mà mẹ muốn. Điều đó khiến cho đứa bé phải tìm cách bỏ qua cảm xúc của mình trong quá trình nó trưởng thành. Nhiều đứa bé lớn lên dù đạt thành công nhưng không thể hạnh phúc. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên dạy cho đứa bé biết thế nào là thông minh cảm xúc. Nên nếu bạn có con, bạn hãy thực hành nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình trước nhé.
Tham khảo khoá học Thiền EFT Tapping – giải phóng cảm xúc tiêu cực tại đây.
Health coach & Master therapy yoga Trần Khoa Việt Nhi