Trong Phần 1 và Phần 2 chúng ta đã cùng tìm hiểu về đứa trẻ bên trong là gì, Thể đứa trẻ – Thể huynh trưởng – Thể người lớn và Những nguyên nhân khiến cho đứa trẻ bên trong bị tổn thương. Trong Phần 3 này, Nhi sẽ chia sẻ về một số dấu hiệu cho thấy bạn có đang chữa lành đúng phương pháp hay cách thức bạn làm có hiệu quả hay không.
1 – KẾT QUẢ CỦA “CHỮA LÀNH” LÀ GÌ?
“Chữa lành” là một khái niệm khá mơ hồ. Có người hiểu “chữa lành” là “chữa bệnh”, không còn đau khổ, lúc nào cũng vui vẻ, được giải thoát và luôn cân bằng. Có người lại hiểu “chữa lành” là không còn bị ám ảnh bởi những tổn thương trong quá khứ.
Ví dụ: Trong quá khứ bị lạm dụng tình dục dẫn đến ghét đàn ông, hiện tại chỉ cần không ghét đàn ông nữa là được, không cần đạt đến mức độ phải bị thu hút mãnh liệt bởi nam giới.
Đối với Nhi, cuộc đời sẽ luôn có lúc thăng trầm, bạn sẽ gặp rất nhiều người phù hợp hoặc không phù hợp, công việc, lúc ổn lúc bấp bênh, v.v. Kể cả khi đứa trẻ bên trong lành lặn cũng đòi hỏi một người luôn vui vẻ, cân bằng tuyệt đối là điều không thể. Trừ khi bạn đã theo đuổi con đường tu tập thiền định trong nhiều kiếp. Do đó, mức độ “chữa lành” mà Nhi nghĩ tuổi thơ bị ám ảnh, sang chấn tâm lý từ 100% giảm xuống 20% – 30% đã rất tuyệt vời rồi.
Từ đó, kết hợp với các phương pháp như yoga, thiền, thanh lọc, ăn uống cân bằng, EQ, Ikigai, Adler, CBT,… Điều này sẽ tạo cho bạn cảm giác càng vững vàng, khỏe mạnh, thành công và vị tha hơn.
2 – CÁC DẤU HIỆU CHO THẤY ĐỨA TRẺ BÊN TRONG ĐANG ĐƯỢC CHỮA LÀNH?
Mức độ tổn thương trong tuổi thơ của mỗi người đều khác nhau. Mức độ chịu đựng cũng như khuynh hướng, tính cách bẩm sinh của mỗi người cũng khác. Do đó, có thể việc đối với trẻ này rất nghiêm trọng nhưng không tác động mạnh như trẻ khác. Khi lớn lên, môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích các tổn thương mạnh mẽ. Cũng có thể ngược lại, giúp giảm đi nỗi đau của đứa trẻ bên trong này. Một số dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết được đứa trẻ của mình đang dần được “chữa lành”.
Dấu hiệu 1: Các nỗi sợ, nỗi ám ảnh giảm dần
Thật ra, có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ám ảnh và gây ra nỗi sợ hãi vô hình. Nỗi sợ đó xuất phát từ “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương khi được chữa lành sẽ mờ nhạt dần, nhường chỗ cho sự tỉnh táo, minh mẫn nảy mầm.
Hãy hình dung, tuổi thơ của bạn bị ba mẹ chê trách, so sánh với người khác. Cho dù bạn đã cố gắng hết sức, ba mẹ không quan tâm đến ước mơ và nhu cầu của bạn. Từ lúc bắt đầu hành trình chữa lành, bạn quan sát thấy nỗi sợ đó giảm dần. Bạn tự tin và nhìn nhận sự việc hiện tại khách quan hơn. Đây chính là kết quả của “chữa lành” khi bạn đi đúng hướng.
Dấu hiệu 2: Dồn nén, tự trách, thiếu tự tin, tự dằn vặt, tự chỉ trích giảm dần
Nhiều người thường xuyên cho rằng mình là người có lỗi. Mình là kẻ gây ra nỗi buồn, bất hạnh. Tôi chỉ mang đến nỗi đau đến cho người khác. Có người lại nghĩ trên đời này không ai hiểu mình, im lặng chịu đựng hay nói vòng vo, e ngại. Thậm chí không dám nói ra suy nghĩ của mình,…
Chưa kể, đây là những kiểu suy nghĩ phổ biến khi đứa trẻ bên trong bị tổn thương. Khi bạn thực hành phương pháp chữa lành, đứa trẻ bên trong sẽ cảm thấy tự tin hơn. “Nó” như được tiếp thêm động lực để tự do nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình.
Dấu hiệu 3: Cảm giác ghét hay ghê sợ. Tránh né một tuýt người hay sự việc nào đó giảm dần
Giả sử, tuổi thơ bạn A bị lạm dụng tình dục bởi một người đàn ông có râu. Khi lớn lên, trong vô thức bạn không thích hoặc rất ghét đàn ông có râu, cho dù họ có tử tế, ga lăng hay tốt bụng đến mấy bạn cũng sẽ không thích. Bạn từ từ chữa lành và cái cảm giác ghét “vô cớ” ấy sẽ giảm xuống cho đến khi bạn bắt đầu mở lòng với những người này.
Hay, mỗi lần chạy ra xóm chơi với bạn bè về nhà đều bị mẹ la mắng. Bạn phải nghe những câu như “chơi bời tốn thời gian”, “con mà chơi với nó là nó lợi dụng con đó”, v.v… Khi lớn lên sẽ có khuynh hướng tránh né đám đông, không thích kết bạn. Bạn ngại kết nối, không tin tưởng,… Nếu chữa lành có kết quả thì bạn có thể vẫn là người hướng nội nhưng cảm giác cô đơn trong đám đông sẽ nhạt đi. Thay vào đó, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn khi bắt chuyện cùng những người khác.
Dấu hiệu 4: Thay đổi motif suy nghĩ và hành động
Thời ấu thơ, bạn thiếu thốn tình cảm và sự bảo vệ của cha. Do đó, khi trưởng thành, bạn dễ dàng rung động trước những người đàn ông lớn tuổi, biết chăm sóc phụ nữ. Thỉnh thoảng, bạn hay rơi vào mối quan hệ với người đã kết hôn. Khi bạn nhận ra và chữa lành, khuynh hướng chọn bạn trai của bạn sẽ thay đổi từ từ. Bạn chuyển từ người đã có gia đình sang người chín chắn hơn. Hoặc là, bạn có thể chia sẻ được đam mê cũng như sở thích với bạn.
Ngoài ra, lúc bạn nhỏ chứng kiến cha mẹ cực khổ đi làm, kiếm tiền, sử dụng tiền tiết kiệm. Trước khi chữa lành, bạn có khuynh hướng nghiện công việc và không cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn. Kết quả, bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, dù kiếm được nhiều tiền nhưng cảm thấy không an toàn. Bạn biết cuộc sống của mình không ổn nhưng không có cách nào ngăn cản mình làm việc điên cuồng. Theo tiến trình chữa lành, bạn nhận ra bạn chỉ đang bắt chước cách sống của cha mẹ. Sau đó, cho dù bạn vẫn làm việc nhiều nhưng đã bắt đầu cho phép bản thân nghỉ ngơi. Bạn dần có những sở thích khác khiến bạn vui vẻ hơn.
Dấu hiệu 5: Cảm thấy nhẹ nhàng, bớt tiêu cực khi nhớ đến hình ảnh gây tổn thương trong quá khứ!
Cuối cùng, dấu hiệu cho thấy tiến trình chữa lành tốt hơn là khi nhớ về hình ảnh đau đớn. Cảm giác của bạn không còn đè nén, miễn cưỡng ép mình quên đi. Thay vào đó, bạn nhìn nhận sự kiện, câu chuyện với một cảm giác thanh thản từ bên trong. Bạn đón nhận nó một cách tích cực, thoải mái, không trách móc hay ấm ức nữa.
Mời các bạn đón xem phần 4 trong kỳ tiếp theo nhé. Trong thực tế, “Chữa lành đứa trẻ bên trong’’ là một chủ đề lớn, quan trọng nhưng ít ai để tâm. Để giải quyết vấn đề này không khó. Mỗi một cái rương cần có một chiếc chìa khoá. Mỗi một con người cần một hành trình để chữa lành đứa trẻ bên trong chính mình. Mời các bạn đón xem tiếp phần sau cùng Health Coach Trần Khoa Việt Nhi nhé!