Dù là mối quan hệ mới bắt đầu hay đã yêu nhau lâu thì bạn cũng nên kiểm tra xem có những dấu hiệu này hay không. Bởi vì dù là 2 người tốt thì vẫn có thể tạo ra mối quan hệ bất hạnh.
1 – Dán nhãn và Chỉ trích
Dán nhãn (Label) và Chỉ trích (Criticize) nghĩa là bạn gán cho người khác những đặc điểm tiêu cực và cho rằng đó chính là con người của họ. Khi ấy bạn chỉ tập trung vào những điều không hay mà bỏ qua mất sự tích cực khác bên trong con người của đối tác.
Giả sử bạn thường nhắc đi nhắc lại với người yêu rằng: “Anh là người vô tâm”, “Anh là người keo kiệt” thì chắc hẳn là anh ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu. Dù khi bạn nói “Anh là người vô tâm” thì ý thật sự của bạn là “Hãy quan tâm em nhiều hơn đi”, nhưng anh ấy sẽ không cảm nhận được mong muốn của bạn. Hậu quả thật sự của câu nói này là anh ấy sẽ ngày càng vô tâm hơn, sẽ càng xa cách bạn hơn. Anh ấy sẽ cảm thấy những quan tâm trước đây của mình đều “đổ sông đổ biển” cả, không có ý nghĩa gì với bạn.
Thật ra, bạn nên biết rằng, nếu bạn muốn được quan tâm thì hãy nói thẳng ra, hãy ghi nhận và cảm ơn những điều mà anh ấy đã làm cho bạn. Khen ngợi và ghi nhận sẽ tạo nên động lực để người khác thay đổi. Điều này cũng đúng với mối quan hệ mẹ – con, cha – con hoặc thậm chí trong công việc.
2 – Bạo hành, bạo lực bằng lời nói hoặc hành động
Bất cứ mối quan hệ nào cũng sẽ có lúc xung đột và lúc vui vẻ. Tuy nhiên, lúc tức giận, nếu bạn quát to lên, đập bàn đập ghế hoặc hất bát đũa, thậm chí nói những lời xúc phạm thì đó được xem là bạo lực rồi, chứ không cần chờ đến lúc bạn tát người kia.
Nếu trong mối quan hệ mà có sự bạo hành hiện diện thì đó chính là mối quan hệ độc hại. Nó cho thấy rằng bạn không có kỹ năng quản lý cảm xúc của mình và cũng không tôn trọng đối tác. Nó độc hại ở chỗ, nỗi đau từ sự bạo hành đó sẽ tiến vào tiềm thức của chính bạn lẫn người yêu. Nỗi đau đó không cho tình yêu lành mạnh và hạnh phúc được nảy mầm, ra hoa kết trái.
Để đối diện và vượt qua thì cả người bạo hành lẫn người bị bạo hành đều cần ưu tiên tham gia các lớp học chữa lành hoặc tham vấn tâm lý. Bởi vì người bạo hành và người thỏa hiệp, chấp nhận sự bạo lực đó đều là những người có rất nhiều tổn thương bên trong.
3 – Không có sự tôn trọng
Không tôn trọng xảy ra khi một trong hai người xem đối tác thấp hơn mình, dở và yếu hơn mình. Cũng tương đương với việc xem bản thân cao hơn, giỏi hơn và quyền lực hơn người kia.
Ví dụ nhé, chồng đi làm kiếm tiền nhiều hơn vợ nên mặc nhiên nghĩ rằng mình có quyền sai bảo và muốn vợ làm mọi thứ theo ý chồng muốn.
Hoặc cha mẹ biết rằng mình có quyền lực hơn con, giỏi hơn con cái, biết rằng con không thể phản kháng nên sẵn sàng la mắng nặng lời hoặc đánh đập con.
Bản chất của sự không tôn trọng chính là đánh giá thấp và không biết ghi nhận những điều tốt đẹp của đối tác, không có sự cân bằng. Ở một số nước châu Á có quan điểm “chồng chúa vợ tôi”, “tam tòng tứ đức” là điển hình rất rõ ràng của sự mất cân bằng này.
Khi nền tảng của mối quan hệ thiếu đi sự tôn trọng thì hạnh phúc sẽ bị lung lay, dễ bị đổ bể và dẫn tới rất nhiều mâu thuẫn, ức chế.
4 – Khác biệt quá lớn về lý tưởng sống, giá trị cuộc sống
Một số ví dụ cho sự khác biệt quá lớn có thể kể tới:
- Trong 2 người, một người muốn có con còn một người thì không,
- Một người có chí muốn xây dựng, muốn sống vì cộng đồng, xã hội lớn, còn người kia thì chỉ muốn lo cho gia đình nhỏ và họ hàng.
- Một người có lối sống xê dịch, vài năm ở chỗ này, vài năm ở chỗ kia. Người kia thì thích an cư lạc nghiệp.
- …
Những ước mơ này đôi khi rất khó giải thích, nhưng lại ảnh hưởng tới suy nghĩ và cách phân bổ nguồn lực (thời gian, công sức, tiền của…) của mỗi người. Những khác biệt này có thể khiến bạn bị thu hút bởi đối phương trong nhất thời, nhưng lại rất khó xây dựng được kế hoạch chung cho tương lai. Hoặc bạn, hoặc người yêu của bạn sẽ phải hy sinh những niềm vui, những giá trị quan trọng để thỏa mãn người kia. Theo thời gian, sự ức chế sẽ tăng lên và mối quan hệ trở nên đau khổ dần.
5 – Hồi đáp, giao tiếp sai lầm
Hồi đáp (response) nói đơn giản là cách bạn trả lời khi người yêu tâm sự, nhờ cậy bạn.
Khi người yêu đi làm về, gặp chuyện không vui, anh ấy tâm sự với bạn. Nhưng bạn lại thờ ơ không trả lời, bạn chăm chú xem Tiktok hay Facebook. Anh ấy sẽ cảm thấy lạnh lẽo và dần dần không muốn tiếp tục cởi mở chia sẻ với bạn nữa.
Đây là một ví dụ cho hồi đáp lạnh nhạt – một kiểu giao tiếp sai lầm rất phổ biến, khiến cho tình yêu mất lửa.
Hồi đáp là một kỹ năng CỰC KỲ quan trọng để xây dựng mối quan hệ nhưng nhiều người lại không chú trọng. Một số sai lầm có thể kể tới:
- Hồi đáp lạnh nhạt: Bạn thiếu tập trung, bỏ lơ khi người yêu tâm sự, khiến cho người yêu cảm thấy họ không quan trọng với bạn.
- Hồi đáp hung hăng: Bạn nhanh chóng phán xét, chê bai hoặc dễ dàng giận dữ khi người yêu nói những điều bạn không thích.
Hãy nhớ rằng hồi đáp sai lầm là cách nhanh nhất để giết chết một mối quan hệ. Nên bạn cần cải thiện nhé.
Health coach Việt Nhi