Nỗi đau khi chia tay là nỗi đau đôi khi dai dẳng, dù bạn có cố gắng thử rất nhiều cách nhưng đôi khi ngồi một mình thì nỗi đau đó như hiển hiện trở lại. Khi chia tay, nhiều người sụp đổ, chọn cách níu kéo người yêu, một số người khác lại xem đây là cơ hội để tự nhìn lại bản thân. Nếu bạn thuộc nhóm thứ hai, muốn vượt qua nỗi đau khi chia tay một cách lành mạnh và tìm thấy hạnh phúc mới thì có 5 câu hỏi mà bạn cần nghiêm túc tự vấn bản thân nhé.
Phiên bản youtube của bài: xem tại đây
1. Hành xử của tôi sau khi chia tay có văn minh hay không?
Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thất vọng, đau đớn, mệt mỏi, dằn vặt … sẽ khiến bạn dễ dàng có những hành động không văn minh như:
- Đánh ghen,
- Nhắn tin chửi rủa miệt thị hoặc xúc phạm người yêu cũ,
- Kể cho cả thế giới biết tật xấu của người yêu cũ nhưng lại giấu đi những điều tốt đẹp mà họ đã đem lại cho bạn,
- Nói xấu người yêu cũ với bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của họ,
- Tô đen hình ảnh của họ với con cái, ngăn cấm con gặp cha/mẹ,
- …
Dĩ nhiên, bạn sẽ có rất nhiều lý do để giải thích cho những hành động này. Thế nhưng, đây đều là những điều khiến cho tâm hồn của bạn “nghèo nàn” đi thôi. Cho nên, hãy dành thời gian cho những câu hỏi tiếp theo, hoặc nếu quá đau đớn thì bạn nên tìm đến tham vấn tâm lý, chữa lành để vượt qua nỗi đau một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn nhé.
2. Tôi có đang tự làm tổn thương chính mình hay không?
Cú shock sau chia tay đi kèm với hàng loạt cảm xúc bức bối, ức chế, đau đớn rất dễ khiến bạn tìm đến những hành động tự làm đau mình như:
- Dầm mưa,
- Uống rất nhiều cafe,
- Uống nhiều bia, hút nhiều thuốc,
- Tự cứa tay, bóc móng tay, móng chân, bứt tóc,
- …
Những hành động này có thể được giải thích như là cách mà cơ thể khiến bạn phân tâm, chuyển dịch từ nỗi đau lớn sang nỗi đau nhỏ hơn. Các chất kích thích cũng góp phần khiến cho các hormone an thần được tiết ra nhiều hơn. Lâu dần, vết thương lòng thì không lành, còn vết thương mới thì lại nhiều thêm.
Khi đau khổ, bạn có thể làm nhiều điều “ngu ngốc” nhưng hãy luôn tỉnh táo để đừng gây thêm tổn thương cho mình nhé.
3. Điều gì bên trong tôi thu hút gặp người yêu cũ đó?
Theo lý thuyết 7 tấm gương trong mối quan hệ (The 7 mirrors of the essenes), mỗi người yêu mà bạn gặp gỡ và gắn bó đều phản ánh một điều gì đó trong tâm thức của bạn. Đó có thể là người phản ánh sự thiếu thốn tình thương, nếu tuổi thơ bạn không có đủ sự quan tâm của cha mẹ. Đó cũng có thể là người có những đặc điểm mà bạn phán xét, ghét bỏ, “ghét của nào trời trao của nấy”. Giả sử bạn phán xét, ghét bỏ, có ám ảnh với sự nghèo, vật chất thiếu thốn thì có thể bạn sẽ thu hút người yêu không biết quản lý tài chính, tiêu xài hoang phí chẳng hạn.
Một lý thuyết khác có thể giúp bạn trả lời câu hỏi này là Thuyết gắn bó của nhà tâm lý học John Bowlby. Bạn có thể mua sách Gắn bó yêu thương để đọc kỹ hơn nhé. Theo triết lý này, có 3 kiểu mà một người gắn bó với người khác là:
- Gắn bó tránh né: thường gặp ở người có tuổi thơ thiếu vắng sự chăm sóc, trải qua sự lạnh nhạt, thờ ơ. Bạn có khuynh hướng tránh né sự gắn bó thân mật, đề cao tự do. Người này dễ bị thu hút bởi người có khuynh hướng gắn bó lo âu.
- Gắn bó lo âu: dễ xảy ra ở người có tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, sự thân mật của cha mẹ. Ngược lại với khuynh hướng tránh né, nhóm này rất cần được người yêu chứng minh tình yêu, sợ bị bỏ rơi, dễ kiểm soát người khác. Người này dễ bị thu hút bởi người có khuynh hướng gắn bó tránh né. Tuy nhiên, sau giai đoạn “trăng mật”, cặp đôi gồm 1 người có khuynh hướng tránh né và 1 người có khuynh hướng lo âu dễ gặp mâu thuẫn do cách thể hiện tình yêu khác nhau.
- Gắn bó an toàn: thường gặp ở người có tuổi thơ hạnh phúc cân bằng cùng với bố mẹ. Sự biểu lộ cảm xúc và tình cảm của người này thường lành mạnh và cởi mở, dễ chia sẻ, dễ giao tiếp với người yêu.
Đây là 2 cách tiêu biểu giúp bạn có thể nhận ra những dấu hiệu bất ổn bên trong đã thu hút người yêu cũ, đã đem mối quan hệ đó đến bên bạn. Nói cách khác, mối quan hệ với người cũ là cách mà vũ trụ gửi thông báo đến bạn, nói với bạn rằng, “Đã đến lúc bạn chữa lành chính mình để được hạnh phúc hơn”.
4. Bài học gì được tôi rút ra từ mối quan hệ cũ đó?
Để trả lời được câu hỏi này bạn cần “đầu tư” cho câu hỏi thứ ba ở trên.
Giả sử, bạn đã biết bạn gặp và yêu người cũ vì người đó đáp ứng tiêu chí vừa là người yêu, vừa là bạn, vừa là anh, vừa là cha, bởi vì bạn thiếu vắng sự bảo vệ của người cha. Sau đó bạn sẽ rút ra được bài học đầu tiên là cần phải chữa lành đứa trẻ bên trong trước khi bước vào mối quan hệ nghiêm túc mới. Bởi vì một trong những rủi ro khi yêu người vừa là cha, vừa là anh là chàng trai ấy có thể nhân danh tình yêu để thay đổi bạn theo ý anh ấy muốn. Bạn có thể không còn được phép phạm sai lầm hay được sống theo ý muốn của mình nữa.
Mỗi một mối quan hệ khi kết thúc đều giống như bạn vừa hoàn thành xong một lớp. Nếu không nhận ra được các bài học từ đó thì khả năng cao bạn sẽ lặp lại cùng một nỗi đau trong tình yêu kế tiếp. Điều đó chẳng khác gì việc bạn ở lại lớp cả.

5. Tôi cần học gì và làm gì để hiện thực hóa bài học trên?
Sau khi đã rút ra được những bài học quan trọng thì điều tiếp theo là bạn cần phải học hỏi và thực hành thêm điều gì mới để khiến cho những bài học đó không chỉ là lý thuyết suông. Về bản chất thì đây chính là quá trình chuyển hóa khiến cho bạn trở nên hoàn thiện và trưởng thành hơn.
Bạn có thể dễ dàng tìm được các bài viết chia sẻ các bí quyết tips “mì ăn liền” tràn lan trên internet. Khi vào các diễn đàn, các groups trên internet, rất nhiều người kể lể nỗi đau của họ và cho bạn biết là bạn nên làm gì. Tuy nhiên, sự chuyển hóa không đến một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Người viết ra những bí quyết đăng trên các trang báo mạng, người vào comment trên post của bạn,… chưa chắc họ đã vượt qua nỗi đau của họ một cách đúng đắn và hiệu quả. Bạn có thể làm khác họ bằng cách tham khảo những cách sau:
- Đọc sách chuyên ngành về tâm lý
- Tham gia các lớp học chữa lành, phát triển bản thân
- Tham gia khóa thiền Vipassana
- Tham vấn, chữa lành 1-1
- Thay đổi lối sống, cách sinh hoạt để giữ cho tinh thần, thân thể dồi dào sức sống
- …
Health coach Trần Khoa Việt Nhi