“Chỉ có phụ nữ mới mang lại hạnh phúc cho nhau?”
- Trong các lớp về chuyên môn (các khoá đào tạo quản lý, digital marketing, đào tạo chuyên ngành..) thì nam nữ đồng đều, có khi nam đông hơn nữ hoặc ngược lại.
- Trong các môn thể thao về sức mạnh, sức bền thì số lượng nam nhỉnh hơn nữ một chút
- Trong các lớp tâm lý, cảm xúc, chữa lành, trị liệu, phát triển bản thân, lớp nuôi dạy con, học cách giữ gìn hôn nhân gia đình,… (nói chung thuộc về tâm trí) thì số lượng nữ cao hơn hẳn số lượng cánh mày râu.
- Trong các môn thể thao điều hoà khí huyết, điều hoà tâm trí hướng về chánh niệm như yoga, khí công,… thì số lượng các chị cũng cao hơn hẳn các anh.
- Các khoá thiền vipassana mà Nhi đã tham gia ở Hồng Trung Sơn thì có khoá nam – nữ đồng đều, có khoá thì 2/3 là nữ.
- Mình đã làm việc với nhiều khách hàng là nữ đang có người yêu hoặc chồng nhưng không hạnh phúc. Khi gặp vấn đề, các chị chủ động và cởi mở đi tìm giải pháp. Còn các anh partner này thì luôn từ chối. Có anh thì cho rằng “em rảnh thiệt, dư tiền quá hả”. Có anh thì biết mình không ổn nhưng thích tự ôm bất ổn vào lòng rồi tự xử hơn là đi tìm sự giúp đỡ từ người ngoài. Nhưng nhìn chung thì các anh không cảm nhận được sự khó khăn của mình ảnh hưởng đến tinh thần vợ như thế nào.
NHỮNG THÁCH THỨC VÀ RỦI RO NẾU TRONG CẶP ĐÔI, CHỈ CÓ 1 NGƯỜI CHỦ ĐỘNG CHĂM SÓC CHO SỨC KHOẺ (bao gồm cả tinh thần lẫn thể chất):
1 – Sự khác biệt tăng dần khiến cho giao tiếp kém hiệu quả, thậm chí đổ vỡ giao tiếp:
Hồi xưa thấy cũng hợp. Bây giờ thì càng lúc càng thấy không hợp. Một người liên tục phát triển tư duy lẫn sức khoẻ trong khi đối tác thì cứ đứng yên. Sự chênh lệch này cứ tích tụ, cứ thế càng ngày càng khó kết nối, giao tiếp, chia sẻ với nhau. Cuối cùng đôi khi không thể nói chuyện sâu được nữa.
2 – Kỳ vọng và thất vọng dẫn đến cô đơn, căng thẳng:
Khi một người cảm nhận được hiệu quả tích cực của phát triển bản thân thì họ cũng mong mỏi người yêu có chung cảm giác tích cực đó. Khi người yêu từ chối tham gia hành trình này (vì chưa sẵn sàng, vì thấy không cần thiết, v.v) thì sự kỳ vọng này sẽ dẫn tới cảm giác tức giận lẫn thất vọng.
Bên cạnh đó, người yêu cứ liên tục bị nhắc nhở, thúc đẩy (dưới danh nghĩa động viên) nên từ từ sẽ thấy bực bội, căng thẳng. Kết quả là giữa 2 người phát triển sự cô đơn và căng thẳng. Hết vui!
3 – Thay đổi mục tiêu chung của cặp đôi hoặc không thống nhất được cách thực hiện mục tiêu chung:
Các cặp đôi thường phát triển mạnh mẽ khi họ có mục tiêu và giá trị chung, đặc biệt là sự đồng thuận khi cùng thực hiện mục tiêu chung đó. Rõ ràng khi phát triển bản thân thì các mục đích bắt đầu thay đổi, cách thực thi cũng thay đổi. Sự đồng thuận biến mất và tranh cãi bắt đầu.
4 – Xuất hiện và nuôi dưỡng suy nghĩ chia tay:
Tất cả những điều trên đưa đến kết quả tất yếu là sẽ có 1 bên nhịn (hoặc thậm chí 2 bên đều nhịn nhau). Ức chế này tích luỹ dần, thay thế cho sự gần gũi và gắn kết. Cả 2 bắt đầu cảm thấy người yêu không còn phù hợp nữa nhưng lại không biết làm thế nào để thay đổi người kia cho phù hợp với mình.
Health coach & Master therapy yoga Trần Khoa Việt Nhi